Tuổi dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang giai đoạn trưởng thành, thời kỳ quá độ khi không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thông thường độ tuổi dậy thì của nam giới sẽ kéo dài từ 2 đến 5 năm. Lúc này con trai sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, đây là khoảng thời gian từ 9 đến 14 tuổi. Ngoài ra, xu hướng kết thúc quá trình dậy thì của con trai thường sẽ chậm hơn, thời gian kết thúc từ khoảng 16 đến 18 tuổi. Cha mẹ cần tìm hiểu những vấn đề này để hỗ trợ con phát triển tốt nhất. Hãy cùng TP Pharma tìm hiểu về tuổi dậy thì ở nam giới qua bài viết dưới đây nhé!
- Tuổi dậy thì ở nam giới bắt đầu khi nào?
Tuổi dậy thì là khoảng thời gian xuất hiện những bước phát triển nhảy vọt về thể chất và tinh thần. Đây là thời điểm đánh dấu sự hoàn thiện về khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới.
Ở giai đoạn này, sự thay đổi thể chất có thời gian diễn ra tương tự nhau ở mọi nam giới nhưng sự thay đổi về tinh thần lại có sự khác biệt với từng người.
Trong giai đoạn này, vùng dưới đồi sẽ sản xuất ra hormone GnRH kích thích tuyến yên tiết ra 2 hormone LH và FSH kích thích cơ quan sinh dục nam sản sinh ra hormone testosterone tham gia trực tiếp vào thay đổi trong quá trình dậy thì.
Tuổi dậy thì của nam giới thường dao động từ 9 đến 14 tuổi, muộn hơn nữ giới khoảng 2 năm. Nếu trẻ xuất hiện dậy thì trước 9 tuổi là dậy thì sớm. Còn nếu trên 15 tuổi không xuất hiện dậy thì có thể coi là dậy thì muộn.
- Các giai đoạn dậy thì của nam giới
Tuổi dậy thì của nam giới trải qua 5 giai đoạn hình thành và phát triển. Các mốc này có thể được tóm tắt như sau:
Giai đoạn 1 – Tiền dậy thì: cơ thể nam giới chưa xuất hiện những thay đổi rõ ràng.
Giai đoạn 2 – Bắt đầu dậy thì: từ 9 đến 14 tuổi, giai đoạn này cơ thể nam giới có những sự thay đổi về thể chất.
Giai đoạn 3 – Cơ thể phát triển rõ rệt: từ 10 đến 16 tuổi, đây là giai đoạn nam giới phát triển vượt bậc về thể chất.
Giai đoạn 4 – Cơ thể phát triển toàn diện: từ 11 đến 16 tuổi, giai đoạn này thể chất thay đổi và tiếp tục phát triển đến giai đoạn hoàn thiện.
Giai đoạn 5 – Kết thúc dậy thì: hầu hết kết thúc ở tuổi 17 nhưng một số nam giới còn phát triển đến tuổi 20. Lúc này, có thể đã hoàn thiện về thể chất.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở nam giới
Di truyền: theo ghi nhận nếu gia đình có ông, bố hoặc anh dậy thì muộn thì xác suất con trai sẽ dậy thì muộn rất cao.
Thể trạng nam giới: trẻ khỏe mạnh sẽ phát triển nhanh hơn những trẻ bị bệnh hoặc có hệ thống miễn dịch kém.
Nồng độ hormone giới tính: lượng hormone testosterone tác động trực tiếp đến thay đổi về thể chất và tinh thần.
Môi trường sống và thói quen rèn luyện thể thao.
- Dấu hiệu dậy thì ở nam giới
Thay đổi về thể chất
Khi hormone liên quan đến dậy thì tiết ra, đây là tín hiệu để thay đổi một số đặc điểm về thể chất của nam giới như:
Sự phát triển vóc dáng cơ thể: phát triển nhanh về chiều cao khoảng 5 – 8 cm mỗi năm. Thông thường kết thúc giai đoạn dậy thì nam giới có thể cao lên từ 10 – 30cm.
Tinh hoàn và dương vật thay đổi kích thước: giai đoạn này tinh hoàn bắt đầu sản xuất ra testosterone. Chính hormone này sẽ kích thích tinh hoàn và dương vật tăng kích thước.
Có đốm sần sùi trên dương vật: xuất hiện những đốm vân màu đỏ trên thân dương vật.
Ngực phát triển: ngực và vai mở rộng hơn.
Mọc lông trên cơ thể: xuất hiện lông ở nách và vị trí gần dương vật. Lông ở tay và chân phát triển nhiều và dày hơn.
Thay đổi giọng nói: dây thanh âm và thanh quản to ra làm nam giới vỡ giọng khiến cho giọng khàn hơn.
Thay đổi làn da, nổi mụn: sự thay đổi bất ngờ của nội tiết tố khiến cho cơ thể chưa kịp điều chỉnh. Chính điều này làm xuất hiện tình trạng mụn trứng cá tại da mặt, cổ, vai, lưng trên hoặc ngực.
Thay đổi về sinh lý
Song song những thay đổi về mặt thể chất, nam giới cũng sẽ xuất hiện những thay đổi về sinh lý, đánh dấu sự phát triển nhảy vọt về chất như:
Có khả năng sinh sản: testosterone được tiết ra, kích thích tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng.
Mộng tinh và những lần cương cứng ngoài ý muốn: cương cứng không lý do thường xuất hiện. Nhiều khi thức dậy, nam giới có thể phát hiện ra mình xuất tinh lúc đang ngủ.
Thay đổi về cảm xúc và suy nghĩ
Ngoài những thay đổi về thể chất và tâm lý, một trong những yếu tố thay đổi trong giai đoạn này là cảm xúc và suy nghĩ cũng cần được chú ý do sự tăng trưởng của hormone cũng như những áp lực từ gia đình trong giai đoạn này.
- Thay đổi tính cách.
- Dễ cáu gắt.
- Lo lắng, trầm cảm.
- Rối loạn tâm trạng.
- Độc lập trong suy nghĩ, mở rộng mối quan hệ với bạn bè.
- Bố mẹ cần làm gì nếu trẻ dậy thì sớm?
Khi bé trai xuất hiện dậy thì trước 9 tuổi thì được coi là dậy thì sớm. Một số nguyên nhân gây nên tình trạng này là:
- Tuyến yên sản sinh ra hormone sớm.
- Suy giáp.
- U tuyến thượng thận.
Khi phát hiện tình trạng này ở trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được phát hiện nguyên nhân và có những biện pháp can thiệp phù hợp.
- Bố mẹ cần làm gì nếu trẻ dậy thì muộn?
Khi trẻ 14 tuổi mà vẫn chưa xuất những thay đổi về thể chất, sinh lý và tinh thần thì được coi là dậy thì muộn. Có nhiều yếu tố tác động đến sự bất thường này như:
- Rối loạn nội tiết tố.
- Di truyền.
Vì vậy khi trẻ nam không xuất hiện những thay đổi liên quan đến dậy thì, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.
- Bố mẹ cần làm gì khi con trai đến tuổi dậy thì?
Tuổi dậy thì là một trong những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của nam giới kể cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, bố mẹ cần làm những việc sau để giúp trẻ hoàn thiện tốt nhất trong giai đoạn này:
- Cung cấp đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
- Rèn thói quen ngủ và thức dậy đúng giờ cho trẻ.
- Xây dựng thói quen tập thể dục thường xuyên để tăng cường thể chất.
- Chuẩn bị tâm lý, kiến thức về dậy thì và giới tính cho trẻ.
- Trò chuyện cởi mở, lắng nghe và thấu hiểu con.
- Tăng tính độc lập và tự quyết của trẻ dưới sự giám sát của gia đình.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về giai đoạn dậy thì ở nam giới. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định những thay đổi của nam giới sau này, chính vì vậy phụ huynh nên dành thời gian theo dõi và đồng hành cùng các bé trai trong giai đoạn này nhé!
Nguồn: Tham khảo tổng hợp