Chấn thương bóng đá là điều không thể tránh khỏi dù người chơi đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa và bảo vệ. Trong môn thể thao này, các chiến binh “sân cỏ” cần có thể lực, sức mạnh tốt, tốc độ di chuyển nhanh nhẹn để chuyền và sút bóng vào lưới của đối thủ. Với nhiều pha va chạm trong trận đấu, bóng đá được xem là bộ môn thể thao có tỷ lệ chấn thương cao.
Lợi ích của môn bóng đá đối với sức khỏe
- Tăng giới hạn sức bền
Chạy bộ liên tục trong 90 phút dù với bất kỳ cường độ nào cũng đòi hỏi sức chịu đựng tốt và thể lực cao. Do đó, những cầu thủ bóng đá thường có sức bền tốt hơn hẳn so với người bình thường.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
Mỗi cầu thủ trung bình phải chạy 8-11 km trong một trận đấu kéo dài 90 phút. Liên tục di chuyển trong 90 phút sẽ giúp giữ nhịp tim luôn cao, tương tự khi thực hiện những bài tập cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhờ đó, người chơi bóng đá luôn có sức khỏe tim mạch tốt, hạn chế việc hình thành những mảng bám trong các động mạch vành và đốt cháy lượng calo dư thừa nạp vào cơ thể.
- Tăng cơ giảm mỡ
Bóng đá như một bài tập phối hợp toàn thân giữa chạy bộ và những động tác xoay khớp. Khi chơi môn thể thao này, mọi cơ quan trong cơ thể đều hoạt động, phối hợp nhịp nhàng, giúp người chơi đốt cháy lượng calo và lượng mỡ dư thừa hiệu quả, xây dựng các múi cơ, từ đó sở hữu một thân hình săn chắc và khỏe khoắn.
- Tăng cường sức khỏe xương khớp
Mật độ xương của con người sẽ giảm dần theo tuổi tác. Khi chơi đá bóng thường xuyên, hệ cơ xương chịu áp lực lớn hơn giúp xương trở nên chắc khỏe hơn.
- Nâng cao khả năng phối hợp
Đá bóng đòi hỏi kỹ năng phối hợp nhịp nhàng của tay chân và sức mạnh toàn thân. Các động tác như chạy, nhảy, xoay người, quan sát, tăng tốc… đều được thực hiện liên tục, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng phối hợp giữa não, mắt và cơ thể của người tập.
- Xây dựng tinh thần đồng đội
Bóng đá là môn thể thao tập thể. Để tham gia một trận bóng, bạn cần phối hợp với những thành viên trong đội để có được chiến thắng chung. Quá trình này giúp người chơi rèn luyện tinh thần đồng đội rất tốt.
- Tăng nhận thức não bộ
Bóng đá là môn thể thao có nhịp độ nhanh. Vì thế, não bộ của người chơi cần phải có tốc độ xử lý nhanh. Bạn sẽ cần dùng trí não để điều khiển cơ thể, quan sát và phối hợp nhịp nhàng với đồng đội để ghi bàn. Luôn tìm kiếm cơ hội để giành chiến thắng, bộ não của người chơi phải luôn hoạt động “hết công suất” trong suốt trận đấu.
Vì sao bóng đá dễ gây ra chấn thương?
Bóng đá là môn thể thao có tính đối kháng tập thể quyết liệt. Trong suốt trận đấu, các cầu thủ thường phải di chuyển liên tục với tốc độ cao. Điều này rất dễ dẫn tới va chạm, chấn thương. Từ các va chạm nhỏ hoặc các cú nhảy đỡ bóng đều có thể ảnh hưởng đến cơ thể của người chơi.
Các chấn thương bóng đá thường gặp
Bong gân: là tổn thương dây chằng ở khớp bị giãn hoặc bị rách (một phần hoặc toàn bộ) do va chạm mạnh hoặc vận động quá mức. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất bao gồm sưng viêm, bầm tím hoặc đau nhói tại vị trí chấn thương như cổ chân, mắt cá chân, đầu gối… Tùy vào tình trạng bong gân nhẹ hay nặng mà người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà hoặc cần thăm khám với bác sĩ.
Trật khớp: thường xảy ra ở trường hợp té ngã, va chạm mạnh hoặc đổi hướng đột ngột khi di chuyển trong sân bóng. Lúc này các khớp trở nên tổn thương và sai lệch ra khỏi vị trí ban đầu, kèm theo dấu hiệu sưng to, đau dữ dội, các khớp không thể co duỗi hoặc khó vận động.
Giãn dây chằng khớp gối: là tổn thương mà các cầu thủ đá bóng thường gặp nhất khi chuyển động tốc độ cao, xoay vặn gối thường xuyên hoặc thay đổi hướng đột ngột. Lúc này, người chơi thể thao xuất hiện cơn đau dữ dội, sưng to và đối mặt với nguy cơ khớp gối lỏng lẻo, hư tổn phần sụn chêm và sụn mặt khớp xung quanh.
Nứt hay rạn xương: là hiện tượng xuất hiện một vết nứt nhỏ trong xương gây ra đau đớn do chịu lực lớn từ cường độ tập luyện nặng khiến cho đôi chân quá tải. Vị trí tổn thương thường gặp ở xương chày và xương bàn chân của cầu thủ do đã bị yếu đi trong quá trình luyện tập và thi đấu.
Đau thắt lưng cột sống: do lực xoay hoặc nghiêng người quá mạnh khi di chuyển có thể dẫn đến sai lệch các đốt sống lưng, khiến tăng áp lực lên đĩa đệm và chèn ép rễ thần kinh. Nếu chủ quan và không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ mắc cơn đau lưng mãn tính, thậm chí nặng hơn tê lan dần xuống mông và chân. Chấn thương cột sống, đặc biệt thoát vị đĩa đệm, gây cản trở khó khăn cho cầu thủ trong quá trình vận động và không ít các vận động viên chuyên nghiệp đã phải từ giã sự nghiệp của mình vì các chấn thương này.
Chấn thương cơ đùi sau (hamstring): gây ra bởi sự co nhanh hoặc lực căng ra quá mạnh của các nhóm cơ gân kheo, thường gây ra một cơn đau đột ngột và dữ dội ở mặt sau đùi. Nếu tình trạng trên kéo dài, sẽ khiến múi cơ bị đứt hoặc rách, dẫn đến chấn thương, gây nên những cơn đau khó chịu và suy giảm khả năng vận động.
Viêm gân gót chân Achilles (A-sin): là tình trạng gân Achilles chịu áp lực quá mức dẫn đến sự quá tải về lực và trọng lực, làm tổn thương vùng gót chân. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như hạn chế khả năng đi lại, gân/xương gót bị biến dạng và nguy hiểm nhất bị rách hoặc đứt gân gót.
Cần làm gì để phòng tránh các chấn thương khi đá bóng?
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa chấn thương khi chơi bóng đá là khởi động đúng cách, giúp làm ấm cơ. Khi cơ lạnh sẽ dễ bị căng quá mức dẫn tới rách, ngược lại cơ ấm sẽ linh hoạt hơn. Chúng có thể đảm nhận tốt những chuyển động nhanh, uốn cong, dừng đột ngột, giảm thiểu nguy cơ chấn thương thể thao.
- Khởi động giúp ngăn ngừa chấn thương hiệu quả
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ để tránh lạnh hay tránh nóng
- Giữ ấm cho cơ thể
- Cần thay người khi gặp chấn thương.
- Huấn luyện kỹ lưỡng
- Cầu thủ cần hiểu rõ, theo sát những luật lệ trong luyện tập và thi đấu
- Tinh thần đồng đội và trách nhiệm cao
- Đảm bảo tuân thủ các chỉ dẫn của huấn luyện viên trước, trong và sau trận đấu hay khi tập luyện.
- Dụng cụ cần được bảo quản tốt, đảm bảo thay mới kịp thời
- Sân tập cần bảo dưỡng và chăm sóc tốt
- Đội ngũ y tế cần có mặt khi cầu thủ tập luyện và thi đấu
- Khi mắc chấn thương, cầu thủ cần có biện pháp chăm sóc tốt
Những nguyên tắc trong phục hồi chức năng cần lưu ý gồm:
Tránh tăng nặng: Điều quan trọng nhất trong phục hồi chức năng đó là không làm chấn thương tiến triển nghiêm trọng trong quá trình tập luyện. Việc tập phục hồi chức năng nếu thực hiện không chính xác hay không có sự theo dõi của kỹ thuật viên có chuyên môn cao, có thể làm trầm trọng thêm chấn thương, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động về sau của cầu thủ.
Thời gian: Phần tập luyện trị liệu của chương trình phục hồi chức năng cần bắt đầu sớm, tùy theo thể trạng và tình trạng chấn thương ở mỗi cầu thủ. Thời gian nghỉ ngơi và tập luyện cần được phân bố hợp lý. Nghỉ ngơi sau chấn thương là cần thiết, tuy vậy nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm chậm tiến trình hồi phục. Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp, việc nghỉ ngơi phần cơ thể bị chấn thương được diễn ra song song với việc luyện tập phần còn lại của cơ thể, thường được gọi là “nghỉ ngơi tương đối”.
Tuân thủ: Đảm bảo tuân thủ đúng theo phác đồ phục hồi chấn thương là điều bắt buộc đối với mỗi cầu thủ. Điều quan trọng là cầu thủ cần phải hiểu về nội dung, mục tiêu của chương trình, liệu trình phục hồi chức năng dự kiến.
Trình tự cụ thể: Một chương trình tập luyện trị liệu cần tuân theo một chuỗi sự kiện cụ thể. Trình tự cụ thể được xác định bởi phản ứng sinh lý của cơ thể và được xây dựng bởi các chuyên gia phục hồi chức năng chuyên nghiệp.
Cường độ phù hợp: Mức độ và cường độ của chương trình tập luyện phục hồi thường có tính thử thách vùng tổn thương nhưng cần đảm bảo không khiến chấn thương trầm trọng thêm. Bác sĩ phục hồi chức năng phải đảm bảo luôn theo sát đáp ứng của người bệnh và xem xét quá trình tập luyện để định liều điều trị.
Cách xử lý chấn thương bóng đá
Việc xảy ra chấn thương trong bóng đá cũng rất đa dạng, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ thì xây xước chân, tay, nặng hơn thì bong gân, căng cơ, thêm mức độ thì rạn hoặc gãy xương, thậm chí là đứt dây chằng.
Với những vết thương hở thì cũng tùy thuộc mức độ mà có thể chỉ cần làm sạch vị trí đó rồi tự lành, hoặc cần đến các loại thuốc xịt phủ để làm khô vết thương, tránh nhiễm trùng, các loại băng dán để tránh khó chịu khi chạm vào quần áo, dẫn đến lâu lành.
Đối với những tình huống lật cổ chân dễ dẫn đến bong gân. Việc xử lý ngay trên sân sẽ rất quan trọng với việc phục hồi. Ngay sau chấn thương, việc dùng túi đá để chườm sẽ hạn chế việc sưng to ở chỗ đau. Tuyệt đối không nên cố trở lại sân thi đấu sau khi có cảm giác vết đau dịu đi vì được chườm đá.Sử dụng băng thun để quấn quanh vùng đau (không quá chặt), hạn chế tối đa vận động và kê cao vùng chân hoặc tay bị chấn thương cũng là yêu cầu để giảm sưng.
Chấn thương cơ là khi bắp thịt hoặc dây gân bị kéo giãn, bị rách khi vận động đột ngột hoặc quá mạnh. Chấn thương cơ có thể sẽ lâu hồi phục hơn, nhưng với việc xác định mức độ nặng, nhẹ là không dễ. Cách tốt nhất là cần có sự kiểm tra của bác sĩ chuyên môn để có hướng điều trị.
Với những chấn thương nặng hơn như rạn, gãy xương, rách sụn chêm hoặc dây chằng đầu gối, phải dừng ngay việc thi đấu và tìm cách di chuyển tới bệnh viện, các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, xử lý.