Mùa mưa, nhiệt độ thường xuống thấp làm cơ thể chúng ta dễ bị lạnh và giảm sức đề kháng.Dưới đây là gợi ý về 10 loại đồ uống làm ấm người mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm được nguyên liệu hay pha chế.
Trà chanh cùng gừng và mật ong
Chanh tươi, gừng và mật ong vốn là những thực phẩm vàng giúp giữ ấm cơ thể vào mùa mưa, thức uống này sẽ giúp giữ nhiệt cho cơ thể, đặc biệt tốt cho những người đang bị ho khan, ho có đờm, nhiễm lạnh.
Gừng cắt nhỏ, ngâm nước ấm tầm 5 – 10 phút rồi lọc lấy nước, thêm nước cốt chanh, mật ong, nước ấm vào khuấy đều là có thể thưởng thức ngay.
Những người bị trào ngược dạ dày thực quản, người bị mòn răng và trẻ em, cơ thể có vết loét, viêm khớp, loãng xương, đang mang thai và cho con bú hạn chế uống trà chanh mật ong gừng vì trong chanh có lượng acid cao, gây kích ứng dạ dày và buồn nôn, làm mòn men răng.
Trà gừng
Gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa, canxi cùng các loại vitamin và khoáng chất có tác dụng giữ ấm cơ thể, giảm đau nhức, giảm viêm, thư giãn tinh thần và rất tốt cho hệ tiêu hoá.
Một cốc trà gừng ấm giúp long đờm, chống đầy hơi và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động. Quan trọng hơn cả là vào mùa mưa, một cốc trà gừng ấm sau khi đi mưa về sẽ giúp phòng ngừa cảm lạnh và tăng cường sức mạnh cho đường hô hấp.
Cách pha: Pha trà gừng vô cùng dễ dàng, bạn chỉ cần đun một cốc nước sôi sau đó cho 4-6 lát gừng mỏng và tiếp tục đun sôi thêm 10 phút. Cuối cùng đổ ra ly dùng ngay hoặc cho thêm một chút mật ong để ngon hơn nhé!
Trà gừng tương đối lành tính. Tuy nhiên, với những người có tiền sử cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị thận đa nang lưu ý không nên sử dụng trà gừng.
Trà xanh
Trà xanh (chè xanh) là thức uống quen thuộc của người dân Việt Nam và rất bổ dưỡng đối với cơ thể. Trà xanh có chứa tới hơn 300 chất chống oxy hóa, kháng khuẩn, trong đó có EGCG – chất hỗ trợ chữa trị một số bệnh về tim mạch.
Do vậy mà trời mưa lạnh bạn nên pha một cốc trà xanh ấm trong nhà để sử dụng. Trà có thể là trà tươi hoặc trà khô đều được. Bạn sẽ cảm thấy thân nhiệt của mình được tăng lên trong vài phút.
Công dụng của lá trà xanh bao gồm:
- Hỗ trợ sức khỏe não bộ.
- Tăng đốt cháy mỡ.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
- Cải thiện sức khỏe răng miệng.
- Hỗ trợ phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Ngăn ngừa bệnh tim mạch.
- Hỗ trợ giảm cân.
- Tăng cường tuổi thọ.
Tuy nhiên , nếu có vấn đề về tim hoặc huyết áp, mắc bệnh về thận hoặc gan, loét dạ dày và rối loạn tâm lý, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên uống trà xanh.
Trà sả
Ngoài công dụng giữ ấm cho cơ thể trong những ngày mưa lạnh giá, trà sả còn giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm, giảm cân và giải độc hiệu quả.
Cách làm: Đầu tiên, bạn cần rửa sạch sả, cho vào nồi nước đun sôi ( có thể cho bạc hà vào hỗn hợp này để tăng thêm hương vị). Khi đã sôi, vặn lửa nhỏ lại tầm 2 phút, cuối cùng lọc nước trà và thưởng thức.
Không nên uống trà sả nếu bạn đang mang thai, uống thuốc lợi tiểu, có nhịp tim thấp, có mức kali thấp,… để tránh gặp các phản ứng phụ do sả như: chóng mặt, khô miệng, tiểu nhiều lần, mệt mỏi,…
Sữa ấm
Sữa rất giàu canxi, ngoài ra protein trong sữa còn giúp đốt cháy mỡ dư thừa hiệu quả. Trong sữa cũng có nhiều vitamin giúp duy trì thân nhiệt ổn định, tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa những bệnh thường gặp như cảm cúm và sổ mũi vào mùa đông.
Các trường hợp nên lưu ý khi uống sữa:
Người đang bị loét dạ dày, tiêu chảy,…
Người béo phì, thừa cân.
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tiểu đường.
Người mắc bệnh thận.
Ngoài ra, bạn cũng không nên uống sữa khi đói và uống sữa sau khi ăn hải sản nhé!
Trà bạc hà
Trong bạc hà chứa nhiều tinh dầu, mang lại cảm giác the mát, giúp sát trùng đường hô hấp, trị cảm sốt, nghẹt mũi hiệu quả, giúp phòng bệnh mùa mưa như cảm cúm, cảm lạnh, ho khan…
Ngoài ra, bạc hà còn giúp tăng cường hệ tiêu hoá, hãy uống một ly trà bạc hà mỗi ngày để luôn có một sức khoẻ tốt, không lo cảm lạnh trong mùa mưa.
Những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống trà bạc hà vì có thể làm giảm lượng đường trong máu, gây hạ đường huyết.
Socola nóng
Vài nghiên cứu chỉ ra rằng socola có tác dụng làm giảm sự “nhạy cảm” của tế bào máu với các gốc tự do và nhiệt độ thấp, nhờ đó giúp chống lạnh cho cơ thể.
Vì thế, bạn có thể ăn socola hoặc làm 1 cốc socola nóng mỗi ngày để giữ ấm cơ thể trong ngày mưa.
Sữa đậu nành nóng
Sữa đậu nành nóng là thức uống phổ biến, nhất là khi thời tiết trở lạnh. Trong sữa đậu nành có chứa nhiều vitamin A, vitamin E, vitamin K và vitamin B6 cùng với protein có tác dụng giữ ấm cơ thể cực tốt.
Tuy nhiên, những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa, thận yếu hay bệnh dạ dày nên hạn chế uống để tránh gây khó tiêu.
Sữa ngô (bắp)
Sữa ngô chứa rất nhiều tinh bột và các loại vitamin như: vitamin A, các vitamin B như B1, B3, B5 giúp não bộ hoạt động tốt, sáng mắt, tốt cho xương khớp và tim mạch. Ngoài ra, sữa ngô còn có vitamin E giúp làm đẹp da. Một ly sữa ngô ấm vào buổi sáng sẽ giúp bạn không còn lo thiếu năng lượng cho ngày mới nữa!
Những người mắc bệnh đường tiêu hóa, viêm đại tràng, tiểu đường nên hạn chế uống sữa bắp.
Nước dừa
Nước dừa giúp cơ thể bạn duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ hệ thần kinh và chức năng não.
Mặc dù nước dừa rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên ở các đối tượng sau nên hạn chế uống vì những ảnh hưởng không tốt đối với sức khoẻ:
- Người mắc bệnh thận.
- Người bệnh tiểu đường.
- Những người thường xuyên bị cảm lạnh.
- Thai phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ.